Hầu như người Châu Á thường cắt bỏ lớp vỏ phô mai trước khi ăn. Tuy nhiên, thật là tiếc vì vỏ của nhiều loại phô mai có thể ăn được và có lợi cho sức khỏe. FrenchTaste sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vỏ phô mai và quyết định có nên ăn vỏ hay không.
Lớp vỏ phô mai được hình thành như thế nào?
Vỏ phô mai hình thành trong quá trình ủ. Khi sữa phân hủy, vi khuẩn và nấm được tạo ra, và chính chúng làm nên vỏ phô mai. Người làm phô mai có thể thêm muối, hạt khô, nho, nấm, rượu, tro và nhiều thành phần khác tùy thuộc vào loại phô mai. Đối với một số loại phô mai, lớp vỏ đóng vai trò quan trọng trong tạo nên hương vị đặc trưng.
Vỏ phô mai cũng chứa nhiều khoáng chất (như kẽm và selen, có tính chất chống oxi hóa mạnh) và vitamin, đặc biệt là nhóm vitamin B hiệu quả trong việc chống mệt mỏi.
Rất tiếc, không phải vỏ phô mai nào cũng có thể ăn được.
Có nên ăn vỏ phô mai hay không?
Điều này phụ thuộc vào loại phô mai bạn đang ăn. Một số vỏ có thể ăn được, trong khi một số khác không.
Các loại phô mai mà chúng ta có thể ăn vỏ
Phô mai mềm vỏ phấn (bloomy rind)
Phổ biến trong nhóm này có Camembert, Brie, Saint-Marcellin, phô mai được làm từ sữa dê… Những loại phô mai này đã được muối và gieo mầm với nấm Penicillium Camemberti. Điều này làm cho vỏ trở nên mịn màng. Bạn có thể ăn vỏ của chúng mà không cần suy nghĩ. Thực ra, vỏ của chúng rất mỏng đến mức không thể tách ra, trừ khi bạn muốn phá hủy món phô mai đó.
Phô mai mềm rửa vỏ (washed rind)
Phổ biến trong nhóm này có Munster, Langres, Époisses, Curé Nantais, …. Nếu bạn thích các loại phô mai có vỏ mềm và hương vị mạnh mẽ, đậm đà, thì nên ăn vỏ của chúng. Toàn bộ hương vị của phô mai tập trung trong vỏ. Hơn nữa, vỏ còn chứa các vi sinh vật có lợi cho hệ tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch (thực tế, đó cũng là trường hợp của tất cả các loại phô mai có vỏ mềm).
Phô mai xanh
Phổ biến trong nhóm này có Fourme d’Ambert, Roquefort, Bleu d’Auvergne, Bleu de Termignon, … Vỏ của chúng không những ăn được mà còn rất ngon, đậm đà và là một phần không thể thiếu của các loại phô này.
Phô mai ép không chín (uncooked press cheese) có vỏ mềm
Phô mai Raclette, Reblochon và Saint-Nectaire có vỏ mỏng ăn được. Nếu bạn bỏ đi lớp vỏ này, bạn sẽ bỏ lỡ một loạt hương vị và cấu trúc khác nhau. Khi cắt các loại phô mai này, chúng ta nên chia đều sao cho mỗi phần đều có lớp vỏ nhé!
Một số phô mai đặc biệt
Các loại phô mai có vỏ được làm đặc biệt cần được ăn toàn bộ. Điển hình là….
- Phô mai Tomme aux fleurs, với lớp vỏ hoàn toàn được phủ bởi các loại hoa khô (cúc, hoa việt quất, cẩm quì, hoa hồng…) mang đến hương thơm đặc trưng cho phô mai.
Các loại phô mai mà chúng ta có thể ăn vỏ nhưng nhưng cần được xem xét
Đó là các loại phô mai ép chín (cooked press cheese) như Gruyère, Emmental, Parmesan… Vỏ của chúng rất thú vị về mặt hương vị, nhưng lại quá dày để chúng ta có thể thưởng thức một cách thoải mái.
Các loại phô mai khác như Comté, Beaufort, … có vỏ chứa một lượng vi khuẩn cao. Do đó, tốt nhất là không ăn vỏ của chúng.
Các loại phô mai nên loại bỏ lớp vỏ trước khi ăn
Đây là tất cả các loại phô mai có vỏ được phủ một lớp mỏng parafin hoặc sáp. Đó là các loại phô mai vỏ cứng hoặc nửa cứng và một số loại phô mai ép chín nấu như Gouda, Mimolette, Edam…